Kinh doanh nhượng quyền bưu cục - luồng gió mới cho sự phát triển của ngành giao nhận

Nhượng quyền bưu cục đã không còn là khái niệm xa lạ đối với những người kinh doanh nhượng quyền. Nếu như trước đây chúng ta đã khá quen với mô hình kinh doanh nhượng quyền các thương hiệu cafe, trà sữa hay các thương hiệu thời trang thì giờ đây bạn có thể mua nhượng quyền chuyển bưu cục.

Kinh doanh nhượng quyền bưu cục - luồng gió mới cho sự phát triển của ngành giao nhận. Ảnh: VTV

Trong một báo cáo mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính riêng 6 tháng đầu năm 2021: Thị trường chuyển phát nhanh đã đạt doanh thu 20.000 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm 2020, tổng lượng hàng đạt 590 triệu bưu phẩm. Các chuyên gia dự báo đến năm 2028, ngành sẽ đạt 1.655 triệu USD và tăng trưởng gần 12% so với hiện tại.

Sự phát triển vượt bậc trên đã tạo đà cho nhượng quyền bưu cục - ngành mới trong lĩnh vực chuyển phát nở rộ.

Nhượng quyền bưu cục hay còn gọi là nhượng quyền chuyển phát nhanh, là hình thức mua nhượng quyền kinh doanh dịch vụ chuyển phát, giao nhận hàng hoá. Rộ lên từ năm 2019, mô hình đầu tư nhượng quyền bưu cục nhanh chóng trở thành một trong những lĩnh vực tiềm năng, thu hút nhiều nhà đầu tư trẻ nhờ số vốn ban đầu ít.

Điểm mới của ngành này là các doanh nghiệp chuyển từ cách làm truyền thống sang logistics thương mại điện tử. Thị trường chuyển phát trở thành "miếng bánh béo bở" mà rất nhiều nhà kinh doanh muốn tham gia chia phần.

Việc nhượng quyền thương hiệu một mô hình chuyển phát thay vì tự mình xây dựng một thương hiệu rộ lên từ năm qua, mang lại lợi ích của cả hai. Nhà đầu tư có thể tận dụng được nguồn vốn, nhân lực, tệp khách hàng từ thương hiệu cho nhượng quyền để tiết kiệm chi phí, tận dụng nguồn có sẵn như mặt bằng, phương tiện, tệp khách hàng hay mô hình kinh doanh, tiếp thị và quảng bá. Ngược lại với thương hiệu cho nhượng quyền, mô hình này giúp mở rộng kinh doanh, gia tăng doanh số và chi phí nhượng quyền, nâng cao giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp.

Nhận định về tiềm năng của nhượng quyền bưu cục, tại chuỗi tọa đàm Chỉ Dẫn Đỏ, ông Đỗ Hữu Hưng - CEO AccessTrade Vietnam chia sẻ, nhượng quyền bưu cục chính là mô hình kinh tế chia sẻ, cùng chia sẻ lợi ích và tài nguyên của mình. Ông còn cho biết thêm: "Tôi tin giải pháp nhượng quyền bưu cục sẽ tạo ra rất nhiều tác động tích cực và kéo theo sự tham gia của rất nhiều đối tác, hộ gia đình và những người có điều kiện tại tỉnh thành và địa phương. Đây là mô hình thành công trên thế giới và sẽ có những tín hiệu tích cực sớm tại Việt Nam".

Loại hình kinh doanh này đang được kỳ vọng mang đến nhiều cơ hội mới cho nhà đầu tư và đối tác, là "luồng gió mới" cho sự phát triển của ngành giao nhận tại Việt Nam.

Xu hướng nhượng quyền trong lĩnh vực chuyển phát nhanh thực tế đã nở rộ trên thế giới từ lâu và đã được chứng minh là mang lại nhiều thành tựu to lớn cho các quốc gia như YTO Express, STO Express, SF Express, In Express,… Ở Trung Quốc, các hãng chuyển phát lớn như ZJS Express, SF Express, STO Express đều khởi sắc khi áp dụng phương thức đại lý nhượng quyền để mở rộng mạng lưới giao hàng của mình, đặc biệt trong thời kì dịch bệnh COVID-19 hoành hành.

Tại Việt Nam, thị trường nhượng quyền bưu cục mới chỉ bắt đầu sôi động. SuperShip là công ty đầu tiên của Việt Nam tham gia vào lĩnh vực nhượng quyền trong mô hình giao nhận tại Việt Nam vào năm 2018. Theo sau đó là các đơn vị của nước ngoài cũng tham gia vào mô hình nhượng quyền, như: J&T Express, ZTO Express, Best Express, Ninja Van...

Hoạt động kinh doanh nhượng quyền bưu cục phát triển tốt, các đơn hàng tiếp tục tăng trưởng. Ảnh: VTV

Sự có mặt của các đơn vị nhượng quyền nước ngoài khiến thị trường logistics Việt Nam ngày càng trở nên sôi động. Và chắc chắn rằng sự phát triển của TMĐT sẽ khiến cho ngành chuyển phát trỗi dậy mạnh mẽ hơn nữa.

Tuy nhiên, do hình thức nhượng quyền bưu cục còn khá mới mẻ tại Việt Nam nên nhiều nhà đầu tư còn bỡ ngỡ khi tiếp xúc, khó khăn trong cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Bởi vậy, theo các chuyên giá, nhà đầu tư nên lưu ý lựa chọn những thương hiệu cho nhượng quyền uy tín, hệ thống vận hành chuyên nghiệp, nền tảng công nghệ và tệp khách hàng sẵn có. Ngoài ra, việc chủ động nghiên cứu thị trường, đi thực tế tại các cơ sở kinh doanh và theo dõi hiệu quả kinh doanh của bưu cục là điều cần thiết. Bên cạnh đó, cũng cần lựa chọn các đơn vị cho đường lối kinh doanh và tiếp thị đúng hướng, lâu dài.

Theo An Mai 
Bình luận (0)

Bài viết liên quan