Cha Công Tử Bạc Liêu: Cậu bé chăn trâu thất học thành đại điền chủ giàu nhất Nam Kỳ

Từ cậu bé chăn trâu thất học, ông đại phú hào Trần Trinh Trạch phất lên như phi mã trở thành “siêu đại gia” đất Nam Kỳ để rồi đời con có sẵn núi tiền lao vào ăn chơi vô độ.

Nhân duyên nhờ con chữ
 
Trong quá trình khai khẩn tại Nam Kỳ, vùng đất Bạc Liêu được khai khẩn muộn hơn những vùng khác, chỉ sau thời kì thực dân Pháp xâm chiếm. Cha mẹ ông Trần Trinh Trạch có mặt trong đoàn người tới Cái Dầy, tỉnh Bạc Liêu để lập nghiệp. Gia đình ông không may thay trở thành bần cố nông, do dịch bệnh liên tục, phải cầm cố hết ruộng đất để cứu chữa. Lên 10 tuổi, ông phải đi ở đợ, chăn trâu cho một gia đình điền chủ có quốc tịch Pháp trong vùng. Hàng ngày chỉ có thể ăn cơm thừa, mặc áo rách do con ông chủ thải ra.
 
Sự kiện thay đổi toàn bộ cuộc đời của ông Trạch chính là vào năm 1881, khi thực dân Pháp ra quyết định con những người Tây gốc Việt đều phải học tiếng Pháp. Mặc dù gia đình điền chủ có một cậu ấm bằng tuổi ông ngang tuổi, nhưng có lẽ cho không đồng tình với chính sách của người Pháp nên ông Trạch được cho đi học thay. Trước đó chỉ biết chăn trâu, làm việc chân tay, nhưng nay nhờ sự sắp đặt của số phận mà ông được học đến hết tiểu học, biết cả chữ quốc ngữ lẫn tiếng Pháp.
 
Vợ chồng ông Trần Trinh Trạch
 
Chính vì khả năng ngôn ngữ ấy, ông Trạch được gọi ra làm thư ký làng, sau đó được lên làm thư ký quận và lại tiếp tục được lên tỉnh làm công việc thu thuế điền đất.
 
Ông Phan Văn Bì là bá hộ có ruộng đất nhiều nhất ở Bạc Liêu, ông còn được mệnh danh là vua lúa gạo miền Tây. Trong quá trình lên tỉnh sao lục sổ bộ đất đai và đóng thuế điền địa, thấy thầy ký Trạch mặt mũi sáng sủa, hiểu biết tinh thông nên ông Bì đã giới thiệu cô con gái thứ tư có tên Phan Thị Muồi cho thầy. Hai người sau đó thành đôi, được ông Bì cho một số ruộng đất cả trăm ha làm vốn.
 
“Đại điền chủ nhiều ruộng nhất Nam Bộ” và hàng loạt chức danh khác
 
Cuộc đời từ đó của ông Trạch phất lên như diều gặp gió khi ông chuyển hẳn về nhà làm điền chủ. Ngay cả trong gia đình ông bá hộ Bì, hầu hết ruộng đất ông đều chia cho các con, nhưng do ít học, không biết làm ăn, lại máu mê cờ bạc, nên dần dà ruộng đất của họ đều được cầm cố và rơi vào tay ông Trạch. Sau khi đã gom hết ruộng đất của người nhà, ông Trạch tiếp tục công việc cầm cố đất đai của nhiều điền chủ sa cơ lỡ vận và ngày càng giàu có.
 
Bất ngờ ông Trạch trúng thầu trở thành nhà cung cấp muối cho cả Nam Kỳ, ông tiếp tục mua thêm ruộng để trồng lúa, làm muối, trở thành đại điền chủ có số ruộng đất nhiều nhất Nam Bộ. Chính từ đó, ông được xếp vào hàng “đại phú” bậc nhất miền Nam. Lúc cao nhất, Trần Trinh Trạch chủ sở hữu 74 sở điền với 110 ngàn ha đất trồng lúa và gần 100 ngàn ha ruộng muối, ctỉnh Bạc Liêu có 13 lô ruộng muối thì ông Trạch chiếm tới 11 lô
 
Sự giàu lên của ông nhanh như phi mã, ông trúng thầu quản lý sở cầm đồ và nghiễm nhiên trở thành người hoạt động độc quyền cầm đồ tại Bạc Liêu. Ông đưa ra sáng kiến vay tiền Chà Sết-ty trên Sài Gòn về cho dân chúng ở Bạc Liêu vay lại, làm cho sự giàu có của ông Trạch bắt đầu được cả tỉnh Bạc Liêu biết đến. Ông vay tiền của nhà nước ở Sài Gòn với lãi suất thấp, đem về Bạc Liêu cho tá điền vay lại “ba phân lời” lấy chênh lệch. Nhờ kinh nghiệm và quen biết từ những năm đi làm thầy ký cho Tây, ông Trạch lại trúng thầu quản lý hãng rượu Bình Tây, độc quyền phân phối rượu ở Bạc Liêu.
 
Ông bỏ vốn đầu tư sang lĩnh vực ngân hàng và trở đồng sáng lập Ngân hàng Việt Nam (năm 1927) – ngân hàng đầu tiên do chính người Việt Nam sáng lập và điều hành, do ông làm Chánh hội trưởng. Cùng thời gian đó, ông tham gia Hội đồng tư mật Nam kỳ và được người dân gọi với biệt danh là ông Hội đồng Trạch.
 
Khi đã có tiền của, ông Trần Trinh Trạch xây dựng một khu biệt thự sang trọng và to lớn nhất ở thị trấn Bạc Liêu do một kỹ sư người Pháp thiết kế. Toàn bộ vật liệu xây dựng được chở từ Pháp sang. Các thiết bị trang trí nội thất được đặt mua từ Mỹ, Ý, và Trung Quốc… Năm 2003, Cty Du lịch Bạc Liêu đã đầu tư tu sửa căn nhà và đưa vào kinh doanh văn hóa, du lịch, làm khách sạn “Công Tử Bạc Liêu”. Căn phòng của Công tử Bạc Liêu ở ngày trước (phòng 101) muốn thuê phải đặt trước từ 7-10 ngày, vì phòng này rất đông người là Việt kiều muốn đến ở.
Bên trong căn nhà của Ông Trần Trinh Trạch, hiện tại là Khách sạn “Công Tử Bạc Liêu”



Để người đời sau nhớ đến, người ta vẫn để lại trên bàn thờ 2 pho tượng đồng bán thân của ông Trạch và vợ, do một nhà điêu khắc từ Thụy Sĩ tên là Bernard chế tác vào năm 1933 vào dịp mừng “đáo tế” ông Hội đồng Trạch.
 
Tượng đồng ông Trần Trinh Trạch (phải) và bà Phan Thị Muồi

Dấu chấm hết cho sự giàu có còn chưa kéo dài 3 đời

Suốt cuộc đời dùng nhiều thủ đoạn để làm giàu ở xứ Bạc Liêu nên lúc về già, ông Trạch đã cố gắng làm từ thiện để “tích đức” lại cho cháu con.
Vào các dịp đặc biệt, ông xé hết giấy nợ của các tá điền, phân phát lúa gạo, tiền của cho người nghèo. Ông Trạch còn xây cất Cư xá Đại học Đông Dương ở Hà Nội và vận động lạc quyên giúp quỹ cứu trợ Pháp quốc.
Trong lễ thượng thọ vào năm 1943, ông Trạch kêu con trai là Công tử Bạc Liêu đích thân lái chiếc Chevrolet đưa ông đi chơi Sài Gòn, Đà Lạt, Vũng Tàu một chuyến “dối già”.
Buổi chiều sau khi tắm biển trong chuyến đó, ông Trạch trở lên khách sạn và thấy ớn lạnh trong người, rồi sốt cả đêm. Cậu Ba Huy vội lái xe đưa ông về Sài Gòn, nhưng đã không còn kịp, ông tắt thở trên đường đến bệnh viện, thọ 71 tuổi.
Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy
Tất nhiên với số tài sản đồ sộ như vậy, đám tang của ông cũng lại là một sự kiện lớn tốn kém, kéo dài 7 ngày ở Bạc Liêu và cả Nam Kỳ. Hàng chục ngàn người đã đi theo xe tang từ Nhà Lớn về xã Cái Dầy chôn cất ông. Như vậy, đến khi nằm xuống, ông Trạch vẫn là một trong những người giàu nhất Nam Kỳ thời đó. 

Ông Trạch có 7 người con, 4 gái, 3 trai. Trong 3 người con trai của ông Trạch, Trần Trinh Huy (Ba Huy) là có học và bản lĩnh hơn cả, được ông hội đồng chọn làm người kế nghiệp. Một sự lựa chọn làm ông Trạch rất đỗi tự hào khi ấy, nhưng ông không thể ngờ rằng, cậu con trai này đã làm cho sản nghiệp mà ông dày công gầy dựng đã nhanh chóng bị đổ sông đổ bể.
 
Nổi danh ăn chơi chác táng với những cuộc tình ái khét tiếng khắp Nam Kỳ, để đến khi Công tử Bạc Liêu nằm xuống thì núi tài sản không lồ đã vơi đi gần hết. Trớ trêu thay, đời con cháu của người điền chủ giàu có nhất Nam Kỳ này lại phải sống trong phận nghèo khó. Quả là hổ phụ sinh hổ tử, Trần Trinh Đức – người thừa kế dòng họ Trần Trinh sau này cũng theo cha, hai bà vợ cùng hàng chục người tình; nhậu nhẹt không thua ai; từng đánh bạc có hạng; nhảy đầm bậc thầy… để rồi sau đó phải lưu lạc khắp các vùng đất, cuối cùng về lại quê hương chạy xe ôm kiếm sống. Kể cả Trần Trinh Nhơn, anh kế của ông Đức, trước ăn chơi vô độ nay cũng sống ẩn dật nghèo túng đâu đó, lâu lắm rồi không thấy về quê hương Bạc Liêu.
Con trai của “công tử Bạc Liêu” – Trần Trinh Đức
Nhiều người đoán tính đoán nghi, không biết có phải do gen của cha và ông nội hay không, mà cô gái Trần Thị Phượng, người con gái của ông Đức, mới lớn lên đã ăn chơi phóng túng và mê bài bạc. Để rồi cô gái này bị lừa cả tình lẫn tiền, rồi bị bệnh tâm thần. Mặc dù có 2 người con trai khác, nhưng đã bỏ nhà ra đi bấy lâu không gặp mặt, người “thừa kế” cuối cùng của dòng họ Trần Trinh không ai khác hơn là cô gái điên do bị tình phụ này. Vậy là chính thức kết thúc sự giàu có kéo dài chưa tới ba đời của dòng tộc hội đồng Trần Trinh Trạch.

Cố nhân có câu “Có vay có trả, của Thiên trả Địa” của luật nhân – quả. Ông Trạch giàu có được là nhờ gia sản của cha vợ và việc cho dân cờ bạc vay nặng lãi, nhưng cũng chính vì lối sống ấy mà đời con cháu ông lại làm tán gia bại sản toàn bộ cơ nghiệp.
 
Theo Pháp luật và bạn đọc
Bình luận (0)

Bài viết liên quan